ĐẶC SỦNG

GIÁO HỘI SƠ KHAI

Không một vị thiên sai nào để lại cho tín đồ mình một của nợ thế chấp lớn như  Đức Giê-su đã để lại. Ngài tự để bị hạ nhục, bị tra tấn và cuối cùng bị giết. Và đã không có gì xẩy ra. Không một toán quân đến để kéo Ngài ra khỏi tay những kẻ làm nhục Ngài. Con Thiên Chúa mà lại không tự mình xuống khỏi thập giá. Và cũng chẳng phải hết mọi người tin vào sự sống lại của Ngài. Giờ đây, môn đồ Ngài đang quanh quẩn ở Giê-ru-sa-lem. Họ sống một phần nhờ vào quà tặng. Nhưng cũng nghe kể rằng, những tín hữu tiên khởi đó sống trong yêu thương và tình anh em : “Mọi người đều cùng một tâm một trí. Không ai trong họ phải khó khăn túng quẫn”. Làm sao mô tả cái Giáo Hội nguyên thuỷ đó ? Đó là một kiểu công xã cộng sản ?

Người ta đã hay so sánh Giáo Hội đó với công xã cộng sản. Nhưng không đúng, vì một đàng là một tổ chức nhà nước trói buộc, một đàng là một cộng đoàn hình thành từ tự do của lòng tin, từ lời rao giảng của các tông đồ trong ngày lễ ngũ tuần.

Sách Công-vụ Tông-đồ cho ta hay, lời giảng đó đã đi vào lòng người như thế nào. Lời đó đã chạm tới con tim và đã rúng động nó ra sao. Người ta đã cảm nhận được cái gì thực sự mới mà họ đang chờ đợi ; mình phải thay đổi, mình phải quay về nẻo chính. Chỉ trong vòng một ngày có tới 3000 người rửa tội, sách viết như thế. Và Giáo Hội tiên khởi đã hình thành từ đó, lúc họ còn đang sống trong nỗi hân hoan của Thánh Linh, trong cảm nhận trực tiếp của ngày ngũ tuần.

Những con người đó đã thực hiện được một cộng đoàn trong đức tin kiểu mẫu – dĩ nhiên không phải có thể áp dụng cho bất cứ ở đâu - : không để ai trong họ phải nghèo đói, họ chia sẻ cho nhau và cùng chung nhau một trái tim, một tâm trí. Trong lịch sử, khuôn mẫu cộng đoàn đó luôn là một cái gai khó chịu cho một Giáo Hội đã tục hoá, sống theo mẫu mực trần thế.

Cả cuộc sống dòng tu cũng hình thành theo lý tưởng trên. Thánh An-tịnh đã đem câu „ họ sống cùng một tâm một trí với nhau trong một cộng đoàn“ làm trọng điểm áp dụng cho luật dòng của ngài. Ngài hi vọng giáo phận mình ít ra sẽ giữ được ngọn lửa sống động của Giáo Hội tiên khởi, nhờ sự có mặt của cộng đoàn tu nhỏ bé điển hình đó trong giáo phận. Cùng với tiến trình phát triển của Giáo Hội, khuôn mẫu trên hẳn đã không còn áp dụng được cho bất cứ nơi nào, kể cả từ thời các tông đồ, nhưng nó trước sau vẫn là cái gai. Vấn đề là, không được để ai trong Giáo Hội phải nghèo đói, không được bỏ rơi ai. Đó là đòi hỏi ngày hôm nay đang đánh động ta một cách cụ thể.

Tại sao những người Do-thái theo đạo đầu tiên lại bỏ tục cắt bì ?

Đó là cuộc tranh luận lớn, chủ yếu do Phao-lô tạo ra. Thoạt tiên, người ta công nhận  Đức Giê-su Ki-tô là vị cứu tinh của Is-ra-en. Họ nhìn ra nơi Ngài một kiểu sống do-thái giáo khác. Nhưng câu hỏi: như vậy luật cũ, đặc biệt là một thói quen đã có trước luật Mai-sen như tục cắt bì, còn tiếp tục có giá trị không? Câu hỏi này đã không có câu trả lời một cách đương nhiên được.

Tiến trình đi tới với những người ngoại giáo diễn ra từng bước một. Đã có cuộc gặp gỡ giữa Phê-rô với Cornelius, người lính đội Rô-ma. Trong một thị kiến, Phê-rô thấy tất cả mọi người đều được thanh tẩy, và sự thanh tẩy đó đến từ đức tin, chứ không phải do máu huyết Abraham, như người ta lúc đó vẫn tin. Và cuối cùng, khi người ngoại ở Antiokia bước chân vào đền thờ, họ nghe và muốn đón nhận sứ điệp của Đức Ki-tô, thì câu hỏi được đặt ra : Nếu giờ đây họ muốn trở thành ki-tô hữu, thì họ buộc phải tuân theo tục lệ do-thái hay sao? Họ phải cắt bì ? Từ đó nẩy sinh ra nhận thức: muốn thành môn đệ Đức Ki-tô, người ta không buộc tuân theo tục lệ do-thái một cách bề ngoài, nhưng phải bước vào cộng đoàn tinh thần của Ngài. Nhận thức trên đây chủ yếu do Phao-lô khởi xướng và đã được công nhận. Nhận thức đó ngài đã lãnh hội được qua cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa ngài với Chúa Ki-tô phục sinh. Chính Đức Ki-tô là sức mạnh thanh tẩy. Và nghi thức dẫn vào Dân Thiên Chúa mới đó là phép rửa. Và ai đã nhận phép rửa, chẳng còn cần cắt bì.

Phao-lô chẳng phải luôn là người cấp tiến, như ngài đã chứng tỏ trong việc cắt bì. Trong thư thứ nhất gởi giáo đoàn Kô-rin-tô, ngài đã nói về địa vị phụ nữ trong Giáo Hội, họ phải đội khăn che mặt mỗi khi dự lễ, như là “dấu chỉ của sự phục tùng”. Và nữa : “Trong buổi họp họ phải im lặng. Họ không được phép mở miệng. Họ phải phục tùng, như luật đã ra. Nếu muốn biết gì, nên về nhà hỏi chồng. Bởi vì chuyện phụ nữ mở miệng trong buổi họp là điều không xứng hợp”. Phải chăng đó là sự khinh miệt phụ nữ ? Quan điểm của Phao-lô đã thắng thế trong Giáo Hội ?

Ngay điểm này, các thư Phao-lô phải được hiểu theo nhiều cách. Một mặt, câu trên dĩ nhiên gợi lên ý tưởng phụ nữ phải phục tòng. Đã có người muốn vứt đoạn đó ra khỏi thư ngài, nhưng làm vậy là vô nghĩa. Mặt khác, phụ nữ ngày nay cũng hay nại tới Phao-lô, bởi vì họ thấy nhiều chỗ trong các thư ngài các bà đóng một vai trò đặc biệt và có sự cộng tác rất chặt chẽ với ngài. Ngài nói với người này, bà là mẹ của tôi. Với những người khác, họ là “những kẻ mang ách đồng hành”, những người cùng hợp tác với ngài để phục vụ Tin Mừng. Một chỗ khác, ngài gọi một bà là tông đồ.

Nói vậy thì nghe vậy.

 Đức Giê-su đã được các phụ nữ thông cảm, đi theo và hỗ trợ. Cũng thế, các bà cũng đã đóng một vai trò rất đặc biệt trong sứ mạng của Phao-lô. Chẳng hạn như Lydia, cô bán phẩm đỏ ở Phi-li-pi, đã ép ngài và những bạn đồng hành nghỉ lại nơi nhà cô, và như thế cô đã trở thành khởi điểm của truyền giáo. Như vậy thì Phao-lô chẳng phải là “tay tranh đấu cho nam quyền một cách ẩu tả”, như cảm tưởng tạo ra bởi câu trích trên, nhưng ngài đã tiếp tục làm theo gương của  Đức Giê-su Ki-tô trước đó.

Hẳn nhiên, ta cũng thấy tính cách hai mặt nơi Phao-lô. Ngài là kẻ đã vượt qua luật lệ do-thái để tới với dân ngoại, và nhờ vậy đã mở ra chiều kích hoàn vũ cho Giáo Hội ; là kẻ chống lại Phê-rô trong tục lệ ăn uống. Nhưng cũng một Phao-lô đó là người vẫn coi một số thói tục cũ là tốt và không muốn bỏ chúng. Mỗi con người, dù sao, đều muốn giữ lại một góc bảo thủ cho mình, nếu ta muốn nói như thế.

Tóm lại, tôi nghĩ, có hai mặt nơi Phao-lô. Một mặt, ngài không cho phụ nữ giảng trong phụng vụ. Mặt khác, ngài lại dành cho phụ nữ một vai trò lớn trong toàn bộ lịch sử Giáo Hội.